Tuesday, April 15, 2014

7:26 PM
Các chuyên gia địa chất cho rằng, hiện tượng sụt lún ở huyện Quốc Oai thời gian qua có thể do hang động ngầm ở bên dưới (Karst) và các tầng đất yếu hoặc tầng cát mịn dễ bị rửa trôi bên trên


Ngày 4/4, gia đình ông Nguyễn Đắc Cương (xã Yên Sơn, Quốc Oai) đang khoan giếng khai thác nước ngầm đến độ sâu 52 m thì có hiện tượng nứt gãy tường rào, sân của các hộ xung quanh. Tại vị trí khoan bị lún khoảng 13 cm, đường ngõ xóm bị rạn vỡ khiến nhiều hộ gia đình hoang mang. Đây không phải lần đầu hiện tượng này xảy ra tại địa phương. 

ường nhà một hộ dân ở xã Yên Sơn bị nứt vỡ. Ảnh: Hà Nội Mới

Trao đổi với VnExpress, ông Nguyễn Văn Bình, khoa Địa chất (Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội) cho rằng, hiện tượng sụt lún ở đây có liên quan đến hệ thống hang Karst ngầm trong tầng đá vôi và sự có mặt của các tầng đất yếu hoặc tầng cát mịn, bở rời dễ bị rửa trôi nằm trên.
Bên cạnh đó, việc khoan giếng cũng tác động mạnh đến hiện tượng lún sụt. "Tất cả những lần sụt lún trên địa bàn huyện Quốc Oai và Mỹ Đức gần đây đều liên quan đến hoạt động khoan giếng", ông Bình nói.
Vị chuyên gia phân tích, quá trình khoan giếng tại những nơi có tầng đất yếu, tầng cát mịn bở rời nằm phía trên tầng đá vôi nứt nẻ mạnh, có hang Karst ngầm đã vô tình tạo ra đường dẫn, rửa trôi những vật liệu mịn này vào khe nứt, hang động ngầm và tạo ra các khoảng rỗng trong đất. Khi kích thước các khoảng rỗng này đủ lớn, trạng thái cân bằng ban đầu của đất bị phá vỡ và xảy ra sụt lún.
Tuy nhiên theo ông Bình, không phải chỗ nào có hang ngầm Karst thì chỗ đó cũng bị sụt lún như Quốc Oai. Hiện tượng này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác như kích thước, độ sâu phân bố của hang Karst cũng như thành phần và bề dày của tầng phủ bên trên.
Nếu tầng phủ là đất sét cứng, khó bị rửa trôi bởi dòng nước, có chiều dày lớn thì hiện tượng sụt lún khó xảy ra. Ngược lại, tầng phủ có mặt tầng đất yếu, tầng cát mịn bở rời, dễ bị nước rửa trôi thì nguy cơ sụt lún là rất cao đặc biệt. Bên cạnh đó, phương pháp và quy trình khoan giếng cũng là một yếu tố.
"Trường hợp ở huyện Quốc Oai, nếu thực hiện quy trình khoan có các biện pháp bảo vệ thành giếng khoan hợp lý thì hiện tượng sụt lún có thể không xảy ra", ông Bình nói.
Đồng quan điểm rằng nguyên nhân có thể do hang động ngầm Karst, một chuyên gia địa chất khác cho biết thêm, bên dưới giếng và khu vực xung quanh đã có những hang động ngầm Karst hình thành từ rất lâu, người khoan nước có thể đã chạm đúng vào hang động ngầm này, gây mất cân bằng cho lớp chịu lực bên trên, dẫn đến tạo sụt lún.
"Hàng xóm bị ảnh hưởng là do hiện tượng nứt kéo theo, hoặc còn gọi là biến dạng dịch chuyển", chuyên gia này nói. 
Các chuyên gia cho rằng, trước mắt khu vực này cần dừng khai thác nước ngầm, đồng thời kiến nghị giới chức hỗ trợ công trình nước sạch cho người dân.
Địa phương đã có biện pháp di dời người và tài sản hộ dân liền kề bị ảnh hưởng ra khỏi khu nguy hiểm; tổ chức khoanh vùng và cắm biển cảnh báo cho người dân ra khỏi khu vực sụt lún; tạm dừng các hoạt động khoan khai thác nước ngầm xung quanh nơi xảy ra sự cố.
UBND huyện cũng vừa có văn bản đề nghị UBND thành phố Hà Nội chỉ đạo các cơ quan giúp đỡ huyện trong việc xác định nguyên nhân, giải pháp của hiện tượng trên.
-Sưu Tầm-

0 comments:

Post a Comment